Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

mạc ngôn góp công lớn thay đổi quê hương

Nằm ở phía đông tỉnh Sơn Đông, thành phố Cao Mật - nơi được lấy làm bối cảnh trong các tác phẩm của Mạc Ngôn - là một cộng đồng nông dân nghèo. Ở đây Mạc Ngôn từng phải ăn vỏ cây và rau dại để sống sót qua tuổi thơ cơ cực. Thậm chí khi phóng viên tìm đường đến nhà Mạc Ngôn khi giải Nobel Văn học mới được công bố, họ nhìn thấy người cha già đã 90 tuổi của nhà văn vẫn còn đang lao động miệt mài trên cánh đồng mà không hề để ý đến những tiếng ồn ào xung quanh.

Người dân Cao Mật hầu như xa lạ với văn học quốc tế. Họ kết luận đây là một giải thưởng lớn chỉ vì quan sát thấy rất nhiều phóng viên đổ xô đến làng Bình An - nơi Mạc Ngôn được sinh ra, cách thành phố Cao Mật 30 km.

Một số nhân viên làm việc tại siêu thị Weekly ở Cao Mật nói với tờ the Global Times rằng họ không biết Mạc Ngôn là ai trước khi ông giành giải Nobel Văn học. Một người nói "Từ khi Mạc Ngôn giành giải, mọi người nói về ông nhiều đến nỗi chúng tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về ông".

undefined
Nhà văn Mạc Ngôn trả lời báo chí sau khi đoạt giải Nobel.

Mạc Ngôn, 57 tuổi, trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước chỉ sau một đêm. Đột nhiên, cái tên Mạc Ngôn cùng các chi tiết về cuộc đời như là ông sống ở đâu, tuổi thơ như thế nào... đã nhanh chóng được người dân cập nhật. Khi bắt một chiếc xe taxi, bạn không cần nói địa chỉ. Chỉ cần nói muốn đến nhà Mạc Ngôn, họ sẽ biết nó ở đâu.

Đi dạo vòng quanh Cao Mật, bạn có thể thấy chiến thắng của Mạc Ngôn hiện diện trong mọi ngóc ngách của thành phố, từ ga tàu cho đến xe taxi, từ siêu thị đến Bảo tàng Văn học Mạc Ngôn.

Một tuần sau khi giải được công bố, thành phố vẫn tổ chức chúc mừng nhưng theo một cách nhẹ nhàng, không rầm rộ. Cả trung tâm lẫn vùng ngoại ô khắp Cao Mật đều treo biểu ngữ đỏ với dòng chữ "Chúc mừng Mạc Ngôn giành giải thưởng Nobel Văn học năm 2012". Việc kinh doanh của khách sạn Fengcheng Story trong vùng cũng trở nên phát đạt vì Mạc Ngôn đã viết vài dòng khen ngợi khách sạn.

Sự kiện Mạc Ngôn trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên thắng giải Nobel cũng làm cho các quan chức địa phương rất tự hào và họ đã gấp rút chi gần 700 triệu tệ (hơn 300 tỷ đồng) để biến ngôi làng buồn tẻ của Mạc Ngôn thành một "Khu trải nghiệm văn hóa Mạc Ngôn". Các lãnh đạo hy vọng vào một tương lai xán lạn cho thành phố nghèo Cao Mật khi khách du lịch ồ ạt kéo đến để tỏ lòng tôn kính với nhà văn giành giải Nobel. Ngày 16/10, một quan chức địa phương tên là Fan Hui đến thăm cha của Mạc Ngôn và thuyết phục ông tu sửa lại ngôi nhà của gia đình.

Ông Fan sẽ dùng ngôi nhà làm điểm thu hút chính của "Khu trải nghiệm văn hóa Mạc Ngôn", đồng thời dự định xây một công viên chủ đề dựa trên tác phẩm được viết vào năm 1987 của Mạc Ngôn - Cao Lương Đỏ. Vị quan chức này nói: "Khu trải nghiệm văn hóa Cao Lương Đỏ" sẽ bao gồm "Khu tái hiện phim Cao Lương Đỏ và Khu triển lãm truyền hình".

undefined
Cao Mật bị đánh giá là quá nghèo nàn và sơ sài để có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Mặc dù người dân bây giờ không còn trồng cây cao lương đỏ nữa vì không mang lại lợi ích kinh tế, các quan chức địa phương đang cân nhắc trả tiền trợ cấp để khuyến khích người dân trồng hơn 667 hecta cây cao lương đỏ để sử dụng trong khu triển lãm.

Trong khi đó Wang Youzhi - một quan chức của thành phố - nói: "Đó chỉ là một ý tưởng của địa phương, không đại diện cho tiếng nói của chính quyền thành phố". Wang nói thêm: "Mặc dù ý tưởng này nghe có vẻ đầy hứa hẹn, chúng tôi vẫn chưa xem xét toàn bộ tình hình".

Còn theo Nie Peng - một nông dân địa phương, nếu như trồng lại cây cao lương đỏ trên các cánh đồng của Cao Mật thì nó chỉ có giá trị để trang trí mà thôi.

Người nông dân 22 tuổi này nói: "Sử dụng cây cao lương trong khu tái hiện phim Cao Lương Đỏ hay trong các điểm du lịch đều cần xem xét cẩn thận trước khi đầu tư". Anh cũng nói thêm rằng ý tưởng đó sẽ có giá trị hơn nếu kết hợp với văn hóa địa phương khác.

Nie nói: "Kế hoạch có thể thành công. Ai biết được? Nhưng Cao Mật không thể đặt tất cả hy vọng phát triển tương lai vào một mình Mạc Ngôn".

Với số tiền thưởng lên đến 8 triệu kronor (tương đương 7,5 triệu tệ), nhà văn dự định mua một ngôi nhà rộng rãi ở Bắc Kinh. Ông cũng thừa nhận phần thưởng này là một trong những động lực giúp ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn chương. Vợ của Mạc Ngôn - bà Du Qinlan - từng chia sẻ rằng nhà văn không kiếm được nhiều tiền với công việc viết văn, phần thưởng này là phần thưởng lớn nhất của ông từ trước đến nay.

Wu Huaibao - một nhà nghiên cứu văn học theo dõi sát sao tiền bản quyền của các nhà văn Trung Quốc - hy vọng rằng tiền bản quyền của Mạc Ngôn sẽ tăng đáng kể trong những năm tiếp theo, khi sách của ông được bán rộng rãi ở các cửa hàng và trên mạng trong và ngoài nước.

Lê Phượng

Nguồn: giaitri.vnexpress.net